Vận dụng phương pháp dạy học theo góc qua bài Sắt – Hóa học 12.
Giải pháp tác nghiệp
3.1. Tình trạng giải pháp đã biết
Trong bối cảnh toàn ngành giáo dục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực chủ động học tập của học sinh, thì phương pháp dạy học được xem như là một cách thức hoạt động của GV trong việc chỉ đạo tổ chức các hoạt động học tập nhằm giúp HS chủ động trong học tập và đạt các mục tiêu dạy học.
Trong nhà trường THPT nói chung và trường THPT Định An nói riêng thì dạy học dựa trên phát triển năng lực đã được thực hiện, song không thường xuyên và còn mang nặng tính hình thức vì thế tính hiệu quả chưa cao. Việc sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực nhằm rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết các tình huống thực tiễn cho học sinh chưa được thực sự quan tâm.
Dạy học theo góc có những điểm tương đồng với dạy học theo nhóm, theo cặp và một số phương pháp, kỹ thuật, thủ thuật dạy học khác. Ưu điểm của học theo góc trong dạy học là GV có thể giao nhiều nhiệm vụ với các mức độ và năng lực khác nhau theo từng nội dung học tập, mỗi cá nhân tự hoàn thành nhiệm vụ với sự tương tác của người dạy và thành viên trong nhóm. Mỗi góc phải chuẩn bị đầy đủ các phương tiện đáp ứng nội dung học tập và nhiệm vụ các góc cùng hướng tới mục tiêu bài học. Dạy học theo góc có thể áp dụng ở hầu hết các dạng bài học và các bài tập tích hợp kiến thức nhiều môn học.
Hoá học là môn học cung cấp cho HS những tri thức hoá học tương đối hoàn chỉnh về các chất, sự biến đổi giữa các chất. Khi HS học tốt môn Hoá học, HS có thể phát triển được nhiều năng lực cá nhân cần thiết như năng lực quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp, thực hành, dự đoán, lập kế hoạch, hợp tác làm việc, lập luận, thuyết trình, ... và ngược lại, khi các em có được những năng lực cần thiết, các em có thể học tập tốt không chỉ môn Hoá học mà hầu hết các môn học khác. Vì vậy tôi lựa chọn giải pháp này để áp dụng vào trong thực tế giảng dạy của bản thân, nhằm nâng cao hiệu quả dạy học.
3.2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến
- Mục đích của giải pháp:
Dạy học theo góc là một phương pháp dạy học theo đó HS thực hiện các nhiệm vụ học tập khác nhau tại các vị trí cụ thể trong không gian lớp học nhưng cùng hướng tới chiếm lĩnh một nội dung học tập theo các phong cách học khác nhau.
Mục đích của giải pháp là để học sinh được thực hành, khám phá và trải nghiệm qua mỗi hoạt động. Dạy học theo góc đa dạng về nội dung và hình thức hoạt động. Dạy học theo góc kích thích HS tích cực học thông qua hoạt động. Là một môi trường học tập với cấu trúc được xác định cụ thể.
- Nội dung giải pháp:
Học theo góc, người học được lựa chọn họat động và phong cách học khác nhau qua các góc học tập: Góc quan sát, góc trải nghiệm, góc phân tích, góc vận dụng, ... Do vậy, học theo góc kích thích người học tích cực thông qua hoạt động, mở rộng sự tham gia, nâng cao hứng thú và cảm giác thoải mái, đảm bảo học sâu, hiệu quả bền vững, tương tác mang tính cá nhân cao giữa thầy và trò.
Dạy học theo góc giúp cho HS hiểu sâu sắc, trọn vẹn bài học bằng chính năng lực của mình và biết vận dụng kiến thức thành kinh nghiệm của bản thân. Từ đó nâng cao hiệu quả của các phương pháp dạy học hóa học cũng như kỹ năng vận dụng, quan sát, thực hành và phân tích của học sinh, nâng cao chất lượng của việc dạy và học hóa học.
Các bước thực hiện dạy học theo góc:
- Bước 1: Lựa chọn nội dung bài học phù hợp.
- Bước 2: Xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng góc.
- Bước 3: Thiết kế các hoạt động để thực hiện nhiệm vụ ở từng góc bao gồm phương tiện/tài liệu.
- Bước 4 : Tổ chức thực hiện học theo góc
+ HS được lựa chọn góc theo sở thích
+ HS được học luân phiên tại các góc theo thời gian quy định để đảm bảo học sâu.
- Bước 5: Tổ chức trao đổi, chia sẻ, kết luận.
Những vấn đề trên, bản thân tiến hành vận dụng trong thời gian qua, và đã thấy được hiệu quả. Sau đây, tôi xin minh họa qua các hoạt động dạy học qua bài Sắt – Hóa học 12:
▪ Hoạt động 1: Chuẩn bị cho việc học tập theo góc. Chuẩn bị nghiên cứu hoạt động ở các góc.
- GV Ổn định tổ chức, giới thiệu các góc và các nhiệm vụ cụ thể ở mỗi góc (3 góc). Hướng dẫn HS nghiên cứu và lựa chọn các góc.
- HS ngồi theo nhóm, quan sát và lắng nghe. Nghiên cứu các nhiệm vụ cụ thể và lựa chọn góc theo nhóm.
▪ Hoạt động 2: Thực hiện các nhiệm vụ theo các góc
- GV yêu cầu các nhóm thực hiện nhiệm vụ ở các góc mỗi góc trong thời gian 7 phút rồi luân chuyển sang góc khác. Hướng dẫn các tổ thực hiện nhiệm vụ và trưng bày sản phẩm.
- HS thực hiện nhiệm vụ theo nhóm tại các góc học tập. Trưng bày sản phẩm theo nhóm tại góc học tập.
▪ Hoạt động 3: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ ở các góc
- GV hướng dẫn HS báo cáo kết quả: Gọi lần lượt từng nhóm trình bày kết quả theo từng góc, 2 nhóm còn lại nhận xét, phản hồi. Mỗi góc thực hiện thời gian tối đa 6 phút.
- GV công bố đáp án trên máy chiếu và kết luận chung về kết quả thực hiện nhiệm vụ ở các góc.
- Yêu cầu các tổ nhóm quan sát đáp án của nhiệm vụ này trên máy chiếu.
▪ Hoạt động 4: Tổng kết
- Cho HS ghi vở những nội dung đã được GV kết luận và chốt lại. GV tổng kết, đánh giá tiết học, nhấn mạnh kiến thức trọng tâm và giao nhiệm vụ cho tiết học sau.
- HS ghi vở những nội dung đã được GV kết luận và chốt lại. Rút kinh nghiệm và phân công thực hiện nhiệm vụ cho tiết học tới.
Nội dung cụ thể cho từng hoạt động được trình bày phần phụ lục "Giáo án bài Sắt" theo phương pháp dạy học theo góc.
3.3. Khả năng áp dụng của sáng kiến
Việc vận dụng giải pháp đã được tôi thể hiện trong các giáo án lên lớp. Qua các giáo án, bản thân tôi nhận thấy đây là một trong những phương án dạy học nhằm làm phát triển tối đa trí lực của học sinh. HS được tìm hiểu học tập theo các phong cách khác nhau, theo các dạng hoạt động khác nhau, do đó HS hiểu sâu, nhớ lâu kiến thức. Các em được chọn góc theo sở thích và tương đối chủ động, độc lập trong việc thực hiện các nhiệm vụ, do đó các em cảm thấy thấy thoải mái và hứng thú hơn, tạo được nhiều không gian cho thời điểm học tập mang tính tích cực. Đáp ứng được sự khác biệt của HS về sở thích, phong cách, trình độ và nhịp độ học tập.
Sáng kiến đã được áp dụng có hiệu quả tại trường THPT Định An và có thể nhân rộng ở các đơn vị khác trong tỉnh.
Giải pháp này không đòi hỏi quá nhiều các trang thiết bị hiện đại cũng như đòi hỏi những kiến thức và kĩ năng rộng rãi của giáo viên. Chỉ cần giáo viên chịu khó dành thời gian tìm hiểu và nghiên cứu thì có thể áp dụng cho mọi đối tượng học sinh và với tất cả các trường THPT với những đặc thù khác nhau.
3.4. Hiệu quả, lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến
Bản thân tôi nhờ vận dụng giải pháp này đã đạt được một số kết quả nhất định. Học sinh trở nên thích học Hóa hơn, thích những giờ dạy của tôi nhiều hơn. Trong giờ học, tôi đã kết hợp hài hòa trong phong cách dạy của mình có thể làm cho giờ học mang không khí rất thoải mái, nhưng khả năng tiếp thu bài cũng rất tốt.
Năm học 2018 – 2019, tôi tiến hành giảng dạy lớp 12A2 (thực nghiệm) có vận dụng giải pháp và lớp 12A4 dạy theo phương pháp bình thường (đối chứng). Qua tiết sau, cho các em làm bài kiểm tra 15 phút thu được kết quả điểm số lớp 12A2 tỉ lệ trung bình trở lên đạt 85,71% trong khi đó lớp 12A4 chỉ đạt 69,45%.
Việc vận dụng thường xuyên giải pháp này trong HK2 cho thấy đạt kết quả tốt hơn rất nhiều so với HK1. Cụ thể: tỉ lệ giỏi đạt 11,17% (tăng 2,33% so HK1); khá 36,87% (tăng 15,32%); trung bình 34,64% (giảm 9,56%) và yếu kém 17,32% (giảm 8,09%).
Trong thời gian tới, bản thân tôi sẽ cố gắng phát huy giải pháp vừa nêu và tìm tòi để có những giải pháp mới và hay hơn để nâng dần chất lượng môn Hóa nói chung và bộ môn Hóa 12 nói riêng.
3.5. Tài liệu kèm theo gồm:
Giáo án và các phiếu học tập của HS khi học nội dung về kim loại Sắt.