Phát triển năng lực tự học cho học sinh qua bài Nhôm - Hóa học 12.
Phương pháp dạy học môn Hóa học
3.1. Tình trạng giải pháp đã biết
Tự học trong nhà trường THPT nói chung và trường THPT Định An nói riêng đã được thực hiện, song không thường xuyên và còn mang nặng tính hình thức vì thế tính hiệu quả chưa cao. Việc sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực nhằm rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết các tình huống thực tiễn cho học sinh chưa được thực sự quan tâm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phương tiện, thiết bị dạy chưa được thực hiện rộng rãi (chủ yếu khi có giáo viên dự giờ).
Trong xu thế xã hội ngày càng phát triển, vấn đề tự học trong nhà trường lại càng được quan tâm hơn bao giờ hết. Tự học cần phải trở thành một trong những kỹ năng quan trọng số một của giáo dục, năng lực trong mỗi cá nhân học sinh. Bản thân người học cần phải làm quen với vấn đề tự học, hình thành một năng lực tự học để sau này có điều kiện học tiếp nữa hay không vẫn có thể tự học hỏi để trau dồi tri thức và thích nghi với thời đại. Cho nên, vấn đề tự học của học sinh THPT là một vấn đề cần thiết mang tính chiến lược.
Hoá học là môn học cung cấp cho học sinh những tri thức hoá học tương đối hoàn chỉnh về các chất, sự biến đổi giữa các chất. Khi học sinh học tốt môn Hoá học, học sinh có thể phát triển được nhiều năng lực cá nhân cần thiết như năng lực quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp, thực hành, dự đoán, lập kế hoạch, hợp tác làm việc, lập luận, thuyết trình, ... và ngược lại, khi học sinh có được những năng lực cần thiết, các em có thể học tập tốt không chỉ môn Hoá học mà hầu hết các môn học khác. Vì vậy tôi lựa chọn giải pháp này để áp dụng vào trong thực tế giảng dạy của bản thân, nhằm nâng cao hiệu quả dạy học.
3.2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến
- Mục đích của giải pháp:
Vấn đề tự học của học sinh không đòi hỏi mức độ cao như tự học của các nhà nghiên cứu, mà chủ yếu dựa vào bài học cụ thể trong sách giáo khoa, những tài liệu có liên quan đến bài học để đối chiếu, so sánh, mở rộng làm cho quá trình nhận thức của học sinh mang tính chủ động và có tính chất nghiên cứu.
Mục đích tự học của học sinh giúp các em hiểu sâu sắc, trọn vẹn bài học bằng chính năng lực của mình và biết vận dụng kiến thức thành kinh nghiệm của bản thân. Từ đó nâng cao hiệu quả của các phương pháp dạy học hóa học cũng như kỹ năng vận dụng, quan sát, thực hành và phân tích của học sinh, nâng cao chất lượng của việc dạy và học hóa học.
- Nội dung giải pháp
Tự học của học sinh là tổng hợp của nhiều năng lực. Học sinh phải hoàn thành tốt những phần nào đó trong nhiệm vụ học tập của mình mà không có thầy bên cạnh. Như vậy, tự học của học sinh luôn gắn với năng lực chủ động, tích cực, học sinh phải tự nghiên cứu tài liệu, tự mình phát hiện kiến thức, tự mình nắm bắt một phần kiến thức. Học sinh phải thường xuyên tự tìm tòi những tài liệu liên quan đến bài học để có sự so sánh, đối chiếu, tự biết vận dụng chuyển hóa kiến thức bài học dưới sự định hướng và dẫn dắt của giáo viên.
Giáo viên là người hướng dẫn, tổ chức cho học sinh tự nghiên cứu tìm ra kiến thức và tự thể hiện mình trong lớp học, là một trọng tài cố vấn. Kết luận trong các cuộc tranh luận đối thoại (HS – HS – GV – GV) để khẳng định kiến thức do học sinh tìm ra và giáo viên là người kiểm tra đánh giá kết quả tự học của học sinh. Qua đó, giáo viên hình thành và phát triển năng lực tự học cho học sinh với những cách suy nghĩ, tìm tòi để có thể tự đặt vấn đề, tự giải quyết vấn đề và tự nghiên cứu.
Học sinh tự đánh giá, tự kiểm tra lại sản phẩm ban đầu sau khi đã trao đổi, hợp tác với bạn bè và dựa vào kết luận của giáo viên, tự sửa chữa, tự điều chỉnh, tự hoàn thiện đồng thời tự rút kinh nghiệm về cách học, cách xử lý tình huống, cách giải quyết vấn đề của mình.
Giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn các em từ cách tự mình nghiên cứu sách giáo khoa đến việc điều chỉnh kiến thức mà các em thu nhận được để có được lượng kiến thức chính xác nhất. Qua đó, giáo viên hình thành và phát triển năng lực tự học cho học sinh với những cách suy nghĩ, tìm tòi để có thể tự đặt vấn đề, tự giải quyết vấn đề và tự nghiên cứu.
Những vấn đề trên, bản thân tiến hành vận dụng trong thời gian qua, và đã thấy được hiệu quả. Sau đây, tôi xin minh họa qua các hoạt động dạy học qua bài Nhôm – Hóa 12:
Hoạt động 1. Khởi động
Kết thúc tiết trước, giáo viên cho học sinh đường link clip "Học hóa trở nên dễ dàng hơn khi nghe bài hát về kim loại nhôm" về nhà xem trước và nêu những điều đã biết, những điều chưa biết và những điều muốn biết về nhôm.
- Đầu tiết học, cho học sinh xem clip để tạo không khí vui tươi đầu tiết học. Học sinh xem (có thể hát theo) và trả lời vấn đề của giáo viên đặt ra vào tiết trước và định hướng nghiên cứu vào bài học mới.
(link: https://www.youtube.com/watch?v=se9caMAoW1M)
Hoạt động 2. Tìm hiểu vị trí trong BTH, cấu hình electron
- Giáo viên chiếu nội dung phiếu học tập số 1
- Học sinh hoạt động cặp đôi, đọc sách giáo khoa, trao đổi với bạn trong để thống nhất các đáp án.
- Giáo viên gọi học sinh trình bày kết quả, chiếu cho học sinh quan sát bảng tuần hoàn để so sánh đáp án. Từ đó rút ra vị trí của nhôm trong bảng tuần hoàn và cấu hình electron.
Hoạt động 3. Tìm hiểu tính chất vật lí của nhôm
- Giáo viên chiếu một số hình ảnh ứng dụng của nhôm và nội dung phiếu học tập số 2
- Học sinh hoạt động nhóm, trao đổi với các bạn trong nhóm để thống nhất các nội dung trong phiếu học tập. Báo cáo với giáo viên kết quả hoạt động của nhóm.
- Rút ra kết luận về tính chất vật lí của nhôm
Hoạt động 4. Tìm hiểu tính chất hóa học của nhôm
- Giáo viên chiếu nội dung phiếu học tập số 3
- Học sinh hoạt động nhóm, trao đổi với các bạn trong nhóm để thống nhất các nội dung trong phiếu học tập.
- Báo cáo với giáo viên kết quả hoạt động của nhóm: Nhóm 1 (viết phương trình 1, 2, 3); Nhóm 2 (phương trình 4, 5, 6); Nhóm 3 (phương trình 7, 8, 9); Nhóm 4 (phương trình 10, 11, 12).
- Giáo viên hướng dẫn HS thực hiện thí nghiệm kiểm chứng lại tính chất của Al vừa viết PTHH: Nhóm 1 (thực hiện thí nghiệm 2); Nhóm 2 (thí nghiệm 4); Nhóm 3 (thí nghiệm 8); Nhóm 4 (thí nghiệm 12)
- Học sinh tiến hành thí nghiệm, nêu hiện tượng, giải thích và tổng kết lại tính chất hóa học của clo.
- Giáo viên giải thích và phân tích thêm tính chất phản ứng với dung dịch kiềm của nhôm (đây là kiến thức mới).
Hoạt động 5. Tìm hiểu ứng dụng và trạng thái tự nhiên
- Giáo viên chiếu nội dung phiếu học tập số 4 và yêu cầu học sinh báo cáo theo yêu cầu tiết trước.
- Học sinh đại diện 1 nhóm trình bày phần ứng dụng của nhôm theo sự phân công. 1 nhóm khác trình bày phần trạng thái tự nhiên của nhôm (học sinh có thể in hình ảnh hoặc nhờ giáo viên hỗ trợ chiếu hình ảnh). Học sinh khác nhận xét, đánh giá, bổ sung (nếu có) hoàn thành nội dung phần ứng dụng và trạng thái tự nhiên của nhôm.
Hoạt động 6. Luyện tập
- Giáo viên chiếu nội dung phiếu học tập số 5 và yêu cầu học sinh thực hiện.
- Học sinh hoạt động cá nhân, mỗi học sinh tra lời 1 câu. Gọi các học sinh khác nhận xét, đánh giá và bổ sung (nếu có).
Hoạt động 7. Vận dụng
- Giáo viên chiếu nội dung phiếu học tập số 6 và yêu cầu học sinh thực hiện. Giáo viên chia 6 nhóm 3 nhóm thực hiện chung 1 bài tập.
- Học sinh hoạt động nhóm, trao đổi với các bạn trong nhóm để thống nhất cách giải.
- Học sinh đại diện 2 nhóm trình bày 2 bài tập (giấy A0). Các nhóm còn lại nhận xét, đánh giá, bổ sung (nếu có).
Hoạt động 8. Tìm tòi, mở rộng
- Giáo viên chiếu nội dung câu hỏi số 8, 9 trong phiếu học tập số 7 hướng dẫn và yêu cầu HS về nhà thực hiện
- Học sinh chú ý phần hướng dẫn và về nhà thực hiện
3.3. Khả năng áp dụng của sáng kiến
Việc vận dụng giải pháp đã được tôi thể hiện trong các giáo án lên lớp. Qua các giáo án, bản thân tôi nhận thấy đây là một trong những phương án dạy học nhằm làm phát triển tối đa trí lực của học sinh, không dừng lại ở việc “nói cho học sinh ghi”, mà có sự dẫn dắt, gợi mở để tự các em tìm ra vấn đề và giải quyết các vấn đề đó phù hợp với khả năng của mình.
Giải pháp này không đòi hỏi quá nhiều các trang thiết bị hiện đại cũng như đòi hỏi những kiến thức và kĩ năng rộng rãi của giáo viên. Chỉ cần giáo viên chịu khó dành thời gian tìm hiểu và nghiên cứu thì có thể áp dụng cho mọi đối tượng học sinh và với tất cả các trường THPT với những đặc thù khác nhau.
3.4. Hiệu quả, lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến
Bản thân tôi nhờ vận dụng giải pháp này đã đạt được một số kết quả nhất định. Học sinh trở nên thích học hóa hơn, thích những giờ dạy của tôi nhiều hơn. Trong giờ học, tôi đã kết hợp hài hòa trong phong cách dạy của mình có thể làm cho giờ học mang không khí rất thoải mái, nhưng khả năng tiếp thu bài cũng rất tốt.
Năm học 2017 – 2018, tôi tiến hành giảng dạy lớp 12A3 (thực nghiệm) có vận dụng giải pháp và lớp 12A1 dạy theo phương pháp bình thường (đối chứng). Qua tiết sau, cho các em làm bài kiểm tra 15 phút thu được kết quả điểm số lớp 12A3 tỉ lệ trung bình trở lên đạt 81,8% trong khi đó lớp 12A1 chỉ đạt 65,7%.
Việc vận dung thường xuyên giải pháp này trong HK2 cho thấy đạt kết quả tốt hơn rất nhiều so với HK1. Cụ thể: tỉ lệ giỏi đạt 12,24% (tăng 2,34% so HK1); khá 54,41% (tăng 35,21%); trung bình 32,35% (giảm 26,47%) và yếu kém 0% (giảm 11,76%).
Trong thời gian tới, bản thân tôi sẽ cố gắng phát huy giải pháp vừa nêu và tìm tòi để có những giải pháp mới và hay hơn để nâng dần chất lượng môn Hóa nói chung và bộ môn Hóa 12 nói riêng.
3.5. Tài liệu kèm theo gồm:
Các phiếu học tập của HS khi học nội dung về kim loại Nhôm.