KINH NGHIỆM ÔN THI TỐT NGHIỆP THPT
A. PHẦN MỞ ĐẦU
Trong những năm gần đây, Lịch sử được Bộ Giáo dục chọn hình thức thi trắc nghiệm trong kì thi tốt nghiệp THPT hàng năm. Kết quả của môn Sử qua các kỳ thi tốt nghiệp thường rất thấp. Vì sao kết quả môn Lịch sử thường thấp hơn các môn khác? Đó là câu hỏi được nhiều nhà chuyên môn và cả xã hội quan tâm.
Trên thực tế, thực trạng môn Sử gặp nhiều khó khăn:
- Chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng của các ngành xã hội thấp hơn nhiều so với các ngành kinh tế, kỹ thuật. Sau khi ra trường, số sinh viên học các ngành xã hội khó kiếm được việc làm và thu nhập cũng thấp hơn các ngành nghề khác.
- Nội dung chương trình nặng nên thời gian trên lớp chỉ đủ cho giáo viên cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản.
- Nhiều giáo viên do nhiều lý do nên không đầu tư nhiều cho chuyên môn...
Để khắc phục thực trạng trên đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành có liên quan và của toàn xã hội nhưng trước nhất là sự nỗ lực của những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy. Đòi hỏi mỗi giáo viên phải có biện pháp đúng đắn, phù hợp cho từng đối tượng học sinh, chọn lọc để cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản nhất; hướng dẫn cho học sinh những cách dễ hiểu và ghi nhớ được những kiến thức, sự kiện cơ bản, những lưu ý trong thi trắc nghiệm...
B. PHẦN NỘI DUNG
- Nội dung thi tốt nghiệp môn Lịch sử gồm 2 phần lớn: lịch sử lớp 11 và 12 (trong đó gồm: lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam ) và kiến thức sử 12 vẫn là cơ bản nhất.
- Có thể chia lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 2000 thành các giai đoạn sau:
+ 1919-1930
+ 1930-1945
+ 1945-1954
+ 1954-1975
+ 1975-1986
+ 1986-2000
Trong đề tài này tôi chỉ đưa ra cách học và cách làm bài thi phần lịch sử Việt Nam gia đoạn 1919-1930.
- Cách thức thực hiện:
* Đối với giáo viên:
- Giáo viên phải có kế hoạch ôn tập cụ thể cho phù hợp với kiến thức cần ôn tập.
- Trong thời gian ôn tập, giáo viên không cung cấp kiến thức mới, không dạy lại kiến thức cũ mà chỉ khái quát kiến thức trọng tâm, giải đáp thắc mắc của học sinh, hướng dẫn cách học và kiểm tra việc học của học sinh thông qua nhiều hình thức.
- Việc thường xuyên kiểm tra việc học của học sinh là rất quan trọng. Cho học sinh bốc thăm và trả lời câu hỏi bất kì mà giáo viên đề ra, chọn đáp án đúng và có thể giải thích tại sao lại chọn đáp án đó, sau đó giáo viên chấm, nhận xét, nhắc nhở để học sinh tránh mắc lỗi khi làm bài. Tổ chức kiểm tra cần nhẹ nhàng để giảm áp lực.
- Hướng dẫn làm bài thi:
+ Đọc kỹ đề, cách thức xác định từ khóa.
+ Xác định câu dễ làm trước, câu khó làm sau.
+ Kiểm tra lại những đáp án nghi ngờ, phân tích, loại trừ những đáp án sai...
* Đối với học sinh:
- Tích cực đọc và bám sát sách giáo khoa.
- Có phương pháp học tập tích cực, tự giác.
- Ghi lại những kiến thức cơ bản, dễ nhầm, dễ quên...
- Có kĩ năng làm bài trắc nghiệm tốt.
- Về mặt kiến thức:
Phần Lịch sử Việt Nam giai đoạn 1919-1930 bao gồm rất nhiều kiến thức có liên quan đến nhau. Trước hết, học sinh cần phải hiểu một cách tổng quát về giai đoạn lịch sử này. Cần hướng dẫn học sinh các cách để hiểu và ghi nhớ kiến thức lịch sử trong giai đoạn này bằng những cách sau:
* Những điểm mới trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 của Pháp ở Việt Nam.
- Hoàn cảnh: Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp tiến hành khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Việt Nam để bù đắp những thiệt hại do chiến tranh gây ra.
- Nội dung chương trình khai thác: Nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải...
- Đặc điểm : Pháp đầu tư vào các ngành kinh tế với tốc độ nhanh, quy mô lớn. Số vốn đầu tư lên đến 4 tỉ phơ – răng.
- Hậu quả:
+ Kinh tế Việt Nam vẫn mất cân đối, vẫn lệ thuộc chặt chẽ vào kinh tế Pháp và là thị trường độc chiếm của tư bản Pháp.
+ Xã hội Việt Nam phân hóa sâu sắc về giai cấp.
- Các mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất.
Do tác động về kinh tế và những biến đổi sâu sắc về xã hội trong khai thác thuộc địa lần thứ hai của Pháp=> xã hội Việt Nam nảy sinh hai mâu thuẫn cơ bản:
+ Mâu thuẫn dân tộc: Dân tộc Việt Nam >< thực dân Pháp.
+ Mâu thuẫn giai cấp: nông dân >< địa chủ phong kiến.
=> Hai mâu thuẫn này vừa là nguồn gốc vừa là động lực làm nảy sinh và phát triển phong trào yêu nước chống thực dân, phong kiến ở nước ta.
* Hiểu và ghi nhớ những mốc thời gian gắn liền với sự kiện cơ bản.
Nhớ những sự kiện lớn trước, lấy một sự kiện làm mốc đầu rồi nhớ những sự kiện cách nhau 5 năm, 10 năm, 15 năm.
- 1920: Nguyễn Ái Quốc đọc được luận cương của Lênin ->xác định con đường cách mạng vô sản là con đường giải phóng dân tộc Việt Nam.
- 1925: Nguyễn Ái Quốc thành lập hội Việt Nam cách mạng thành niên- chuẩn bị về mặt tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
- 1930: Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập.
* Nhớ và hiểu những sự kiện của lịch sử thế giới có tác động trực tiếp đến cách mạng Việt Nam.
Phần lịch sử Việt Nam giai đoạn 1919-1930 luôn chịu tác động của tình hình thế giới và khu vực.Vì vậy cũng phải hiểu và nhớ những sự kiện sau:
- Cách mạng tháng 10 Nga 1917: Một con đường giải phóng dân tộc mới (cách mạng vô sản) được mở ra cho các dân tộc thuộc địa, có tác động trực tiếp đến sự lựa chọn của Nguyễn Ái Quốc trong hành trình tìm đường cứu nước.
- Quốc tế Cộng sản: Là một tổ chức quốc tế do Lênin sáng lập năm 1919. Quốc tế Cộng sản chỉ đạo thống nhất đường lối, chủ trương để thực hiện nhiệm vụ chống chủ nghĩa đế quốc. Các đại hội quan trọng: đại hội lần II (1920)- thông qua Luận cương các vấn đề Dân tộc và thuộc địa của Lênin, đại hội VII (1935)- chống chủ nghĩa phát xít và nguy chiến tranh chiến tranh thế giới hai.
* Những hoạt động cứu nước của Nguyễn Ái Quốc từ 1917 đến 1930.
- Sau thời gian dài tìm đường cứu nước đến 1920, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác- Lênin và tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, đó là cách mạng vô sản. Người đã truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin về Việt Nam. Quá trình hoạt động đó là:
+1921-1922: Người lập Hội Liên hiệp thuộc địa ở Pháp, ra báo “Người cùng khổ”; báo “Nhân đạo”... và viết cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp”...
+ 1923-1924: Người sang Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế nông dân, Dự Đại hội lần V của Quốc tế Cộng sản.
+ 11/1924: Người về Quảng Châu (Trung Quốc) trực tiếp tuyên truyền, giáo dục lý luận, xây dựng tổ chức cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.
+ 6/1925: Thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin về nước.
- Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ 1919-1925 có tác dụng chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức cho sự thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.
- Chủ nghĩa Mác- Lênin được truyền bá rộng rãi vào Việt Nam làm cho phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh-> đòi hỏi phải có chính đảng lãnh đạo. Đáp ứng yêu cầu đó ở Việt Nam lần lượt xuất hiện ba tổ chức cộng sản: Đông Dương cộng sản Đảng, An Nam cộng sản Đảng, Đông Dương cộng sản liên đoàn nhưng hoạt động riêng rẽ của ba tổ chức ảnh hưởng đến cách mạng Việt Nam.
- Trước tình hình đó Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất là Đảng cộng sản Việt Nam.
- Người viết và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng về đường lối chiến lược và sách lược cho cách mạng Việt Nam. Độc lập và tự do là tư tưởng cốt lõi của Cương lĩnh chính trị.
* Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam.
- Là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp ở Việt Nam trong thời đại mới, là sự sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử.
- Là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.
- Đảng ra đời là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
- Sự ra đời của Đảng đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng sâu sắc về giai cấp lãnh đạo và đường lối đấu tranh của cách mạng Việt Nam.
* Tóm lại nội dung cơ bản của giai đoạn 1919-1930 là tìm ra con đường giải phóng dân tộc:
Đầu thế kỷ XX, sau khi dập tắt được phong trào Cần Vương, thực dân Pháp đã hoàn thành việc bình định nước ta. Phong trào Cần Vương kết thúc (1896) chứng tỏ đường lối cứu nước dưới ngọn cờ phong kiến đã thất bại. Nước ta đang khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo. Vì vậy nhiệm vụ quan trọng nhất là phải tìm ra con đường cứu nước phù hợp với lịch sử dân tộc.
Đầu năm 1930 khi Đảng Cộng Sản Việt Nam được thành lập thì nhiệm vụ này đã hoàn thành.
C. PHẦN KẾT LUẬN
Để có kết quả cao trong kì thi tốt nghiệp như mong muốn, đòi hỏi người giáo viên phải có sự chuẩn bị trước. Những nội dung, phương pháp trên phải thực hiện trong suốt quá trình học để học sinh làm quen. Giáo viên cần nhắc nhở các em về phương pháp học, kiểm tra kết quả học tập là nhằm giúp các em biết được mình đã nắm những kiến thức nào và cần bổ sung kiến thức nào, luôn động viên để các em tự giác trong học tập.
Đối với học sinh khối lớp 12 cần nghiêm túc, tự giác học tập, giữ tinh thần sảng khoái, tự tin trong thi cử, vận dụng những kiến thức đã học để bài thi luôn đạt kết quả cao nhất.