CHUYÊN ĐỀ VỀ VẬN DỤNG KIẾN THỨC LIÊN MÔN ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ THỰC TIỄN VÀ DẠY HỌC THEO CHỦ ĐỀ TÍCH HỢP MÔN LỊCH SỬ THPT
A- PHẦN MỞ ĐẦU
Trong những năm gần đây dạy và học môn lịch sử đang nhận được sự quan tâm chú ý của toàn xã hội vì Lịch sử là tất cả những hoạt động của con người và xã hội loài người trong quá khứ. Làm sao để nhớ được toàn bộ quá trình hình thành và phát triển xã hội loài người. Thực tế hiện nay dư luận xã hội đang tỏ ra rất bức xúc, bất bình trước điểm môn sử trong những kỳ thi đại học, cao đẳng quá thấp. Từ đó đi tới đánh giá chung về kết quả dạy và học môn sử trong các trường phổ thông là “quá kém”, cần được “báo động” trong toàn ngành, cần tìm ra nguyên nhân thực trạng đáng lo ngại đó và các giải pháp thích hợp để khắc phục. Trước sự quan tâm ấy, chúng tôi - những giáo viên dạy môn lịch sử luôn trăn trở về việc dạy của mình. Làm sao để nâng cao chất lượng dạy, học môn lịch sử và đặt biệt là làm sao để các em yêu thích và học môn lịch sử ngày càng hiệu quả hơn. Theo tôi một trong những phương pháp đổi mới có hiệu quả là dạy học bằng vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn và dạy học theo chủ đề tích hợp, qua đó góp phần giúp tiết học sinh động hơn quan trọng là giúp học sinh nắm kiến thức lịch sử chặt chẽ, khắc sâu hơn từ đó học sinh hứng thú hơn với bộ môn lịch sử.
B- PHẦN NỘI DUNG
I. Các nội dung chính của chuyên đề và việc triển khai thực hiện:
1. Sơ lược về vận dụng kiến thức liên môn và dạy học theo chủ đề tích hợp:
Vận dụng kiến thức liên môn là hình thức liên kết những kiến thức giáo khoa môn Lịch sử với một số môn như: Ngữ văn, Địa lí, Tin học, Giáo dục công dân, Quốc phòng... để học sinh tiếp thu kiến thức, biết vận dụng kiến thức lịch sử vào cuộc sống và ngược lại từ cuộc sống để giải quyết các vấn đề liên quan đến lịch sử…
Theo từ điển giáo dục học: Tích hợp là hành động liên kết các đối tượng nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cùng một lĩnh vực hoặc vài lĩnh vực khác nhau trong cùng một kế hoạch dạy học.
Tích hợp là một xu thế, một trào lưu dạy học và giáo dục phổ biến trên thế giới trong nhiều thập kỉ qua. Đưa tư tưởng sư phạm tích hợp vào trong quá trình dạy học là cần thiết. dạy học tích hợp là một xu hướng của lí luận dạy học và được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Quan điểm dạy học tích hợp được xem là định hướng lí luận của chương trình giáo dục Việt Nam hiện hành và những năm sắp tới.
2. Các biện pháp được tiến hành:
2. 1. Đối với giáo viên:
- Để vận dụng kiến thức liên môn và dạy học theo chủ đề tích hợp trước hết, giáo viên tìm hoặc hướng dẫn học sinh lựa chọn kiến thức, đảm bảo các yêu cầu cơ bản, chính xác, ngắn gọn để có thể liên hệ với các bộ môn khác đảm bảo liên hệ phải phù hợp, vấn đề được đặt ra phải làm nổi bật bản chất sự kiện lịch sử, như thế ý nghĩa khoa học càng cao.
- Rèn luyện kĩ năng tự học, sáng tạo, liên hệ kiến thức cho học sinh.
2. 2. Đối với học sinh:
- Tập làm việc một cách độc lập, tự nghiên cứu tìm những vấn đề, những nội dung có thể liên môn.
- Rèn luyện kĩ năng phân tích, đánh giá, so sánh, liên hệ thực tế…
II. Một số ví dụ minh họa:
- Ví dụ 1:
- Khi dạy bài 16 : Phong trào giải phóng dân tộc 1939- 1945 (chương trình chuẩn lớp 12 -tr 102) cần liên hệ đến môn Ngữ văn lớp 12 : tác phẩm Vợ Nhặt ( Kim Lân) nói về nạn đói cuối 1944 đầu 1945.
2. Ví dụ 2:
- Khi dạy bài 13: Nước Mĩ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 - 1939) (chương trình chuẩn lớp 11) khi dạy phần 1 : Cuộc khủng hoảng kinh tế (1929-1939) ở Mĩ cần liên hệ môn giáo dục công dân về khái niệm và mối liên hệ cung- cầu trong sản xuất và lưu thông hàng hóa.
3. Ví dụ 3 : khi dạy bài 4 : Các quốc gia cổ đại Phương Tây- Hy Lạp và RôMa (chương trình chuẩn lớp 10)
- Mục 1. Thiên nhiên và đời sống của con người: giáo viên liên hệ môn địa lý để khái quát thuận lợi và khó khăn về điều kiện tự nhiên của Hy Lạp và RôMa.
- Mục 3. Văn hoá cổ đại Hy Lạp và Rôma: liên hệ kiến thức môn địa lý để chứng minh người Hy Lạp và Rôma phát minh ra lịch là có cơ sở. Bên cạnh đó có thể liên hệ kiến thức môn giáo dục công dân để giáo dục học sinh có trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn di sản văn hóa thế giới.
C- PHẦN KẾT LUẬN
1. Kết quả thực hiện
- Việc vận dụng kiến thức liên môn và dạy học theo chủ đề tích hợp trong quá trình dạy, học đã góp phần kích thích hứng thú học tập của học sinh, các em rất hào hứng, cởi mở khi tham gia tiết học.
- Linh hoạt trong vận dụng kiến thức liên môn và dạy học theo chủ đề tích hợp góp phần giúp học sinh tiếp thu kiến thức vừa đủ, tránh nặng nề, trùng lập, không biến giờ dạy văn thành dạy sử hoặc ngược lại.
- Đặc biệt với việc vận dụng kiến thức liên môn và dạy học theo chủ đề tích hợp cũng là một trong những mục tiêu giáo dục toàn diện giúp học sinh ngày càng hoàn thiện, trưởng thành hơn trở thành ngưới có ích cho xã hội.
Qua bài tham luận này nhằm giúp cho học sinh ngày càng học tốt hơn, có những suy nghĩ tích cực hơn với môn lịch sử, góp một phần nhỏ nâng cao vị trí, tầm quan trọng của môn lịch sử. Tuy nhiên vẫn còn một số thiếu sót trong quá trình viết rất mong được sự đóng góp ý kiến của tất cả quý đồng nghiệp.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
2. Những kiến nghị, đề xuất:
- Các nhà lãnh đạo cần quan tâm triệt để công tác giảng dạy, đáp ứng đầy đủ hơn trang thiết bị dạy học cho tất cả các môn học trong nhà trường.
- Cần nhiều phim ảnh về thời chiến, nhiều bộ phim mang màu sắc lịch sử sẽ góp phần giáo dục cho học sinh nói riêng và toàn xã hội nói chung.
- Phổ biến các sáng kiến kinh nghiệm về nâng cao chất lượng dạy – học, tổ chức nhiều chuyên đề, nhiều đợt tập huấn cho giáo viên nhằm học tập, trao đổi, bổ sung cho nhau cùng phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục.
Định An, ngày 24 tháng 6 năm 2020
Người viết
Lư Thái Trân